Cây đào Tô Hiệu- chí khí kiên cường của những người tù cộng sản
– Trong cái nắng ấm của những ngày xuân, hoà cùng dòng người đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt-Nhà tù Sơn La, trong tôi trào dâng bao cảm xúc. Qua lời giới thiệu ấm áp, truyền cảm của hướng dẫn viên Lò Thị Tuyết, Bảo tàng tỉnh Sơn La chúng tôi nhớ về một thời kỳ hào hùng và bi tráng của những người tù cộng sản năm xưa.
Ngược dòng lịch sử
Lật từng trang sử, năm 1908 của thế kỷ trước, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Ban đầu Nhà tù chỉ khoảng 500m2. Năm 1930, hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao, thực dân Pháp 3 lần xây dựng và mở rộng nhà tù với tổng diện tích lên tới hơn 2 nghìn m2. Năm 1940, Nhà tù Sơn La được chuyển thành Nhà ngục Sơn La với mục đích biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam. Từ 1930-1945, thực dân Pháp đã đầy lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với hơn 1 nghìn chiến sĩ yêu nước Việt Nam như: Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh…
Một góc cây đào Tô Hiệu tại khu Di tích Nhà tù Sơn La
Chúng tôi tham quan các điểm di tích, nơi đã từng giam giữ những người tù trung kiên của các mạng. Những cái tên như: Xà lim ngầm, xà lim chéo, trại ba gian… làm chúng tôi rùng mình căm phẫn vì sự hà khắc, tàn ác của kẻ thù đối với những chiến sĩ cách mạng của ta. Chị Lò Thị Tuyết cho chúng tôi biết: Thời Pháp thuộc, cứ mỗi lần nhắc đến Sơn La là người ta thường gắn với cụm từ “rừng thiêng, nước độc”. Hồi đó, không riêng gì người tù mà cả những người dân nơi đây thường mắc các căn bệnh phù thũng, kiết lị, thương hàn, sốt rét. Thực dân Pháp lợi dụng sự khắc nghiệt về thời tiết, dịch bệnh làm vũ khí để giết dần, giết mòn tù nhân. Chị Tuyết đã đọc lại mấy vần thơ của nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy đã viết trong những ngày bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La:
“Lại đến Sơn La lại núi rừng
Nằm trên đỉnh núi mà như bưng
Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ
Thăm thẳm hầm giam, sâu mấy tầng
Tháng tháng cơm sôi đau cả bụng
Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng
Ai ơi, sốt rét đừng ra máu
Non nước chờ xem ta vẫy vùng”.
Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng nhưng chính tại nơi đây, những người Cộng sản đã biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, sau những bức tường đá lạnh lẽo là những viên gạch hồng của tình đồng chí. Những người cộng sản đã biến đêm đen thành những tia sáng cách mạng, tiếp lửa cho đồng bào các dân tộc Sơn La-Tây Bắc đoàn kết vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 26-8-1945. Di tích Nhà tù Sơn La từ đó trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách kiên cường, khát vọng giành độc lập tự do; tinh thần lạc quan và sáng tạo của những người cộng sản; biểu tượng cao đẹp về tinh thần đại đoàn kết dân tộc và cũng là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử tố cáo tội ác dã man của chế độ thực dân.
Cây đào Tô Hiệu
Cùng với gông cùng, xiềng xích hay những phòng giam được phục chế, Di tích Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ một cây đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên một chiến sĩ cộng sản-Tô Hiệu. Trải qua những trận đánh phá bằng bom của giặc (Pháp đánh phá năm 1952, Mỹ đánh phá năm 1965) nhằm xóa dấu vết tội ác, Nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào mang Tô Hiệu vẫn như còn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những chiến sĩ cộng sản trung kiên.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước. Tô Hiệu tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Năm 1930, ông bị giặc bắt. Sau khi bị kết án 4 năm tù, ông bị đày ra Côn Đảo. Ra tù, Tô Hiệu tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt lại vào tháng 12-1939. Sau đó giặc đưa ông lên Nhà tù Sơn La giam cùng với đoàn tù 50 người đợt ấy.
Cuối tháng 12-1939, các đảng viên trong tù đã thảo luận về việc thành lập tổ chức cơ sở Ðảng. Ban chi ủy lâm thời gồm 10 đồng chí do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ. Ðến tháng 2-1940, Chi bộ chuyển thành chính thức do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên. Tháng 5-1940, tại Đại hội Chi bộ nhà tù đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư. Đến tháng 10-1941 do sức khỏe yếu đồng chí Tô Hiệu xin nghỉ Bí thư Chi bộ nhưng vẫn làm Trưởng ban Huấn luyện đào tạo của Chi bộ và là cố vấn cho Chi bộ.
Đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân tham quan khu di tích
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, các chiến sĩ cộng sản đã đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, sáng tạo, biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, thành nơi thử thách, rèn luyện ý chí đấu tranh cách mạng. Chi bộ đã linh hoạt, mềm dẻo đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối, nham hiểm và hành động xảo quyệt, man rợ của kẻ thù; bí mật liên hệ, giáo dục, giác ngộ những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Sơn La theo Đảng, đoàn kết đứng lên cùng toàn thể dân tộc Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Hồi đó Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của Nhà tù Sơn La. Ông phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Dù bị ảnh hưởng bởi điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ nhưng Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La-“Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ, cảm tình sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7-3-1944, Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La lúc 32 tuổi. Cây đào ở nhà tù được mang tên ông vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sĩ kiên cường.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Đứng trước cây đào Tô Hiệu một hồi lâu, anh Trần Văn Nam, du khách đến từ TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Đến nơi đây, được giới thiệu về di tích, chúng tôi hết sức khâm phục và tự hào về những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất vượt lên mọi hoàn cảnh góp phần vào giải phóng đất nước. Càng tự hào hơn khi quê hương Hưng Yên chúng tôi có chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu, người có công lao to lớn trong Nhà tù Sơn La này…
Năm 1962, Di tích Nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia và năm 2015, Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Phát huy giá trị đó, Khu di tích tiếp tục được tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm trùng tu, tôn tạo, đầu tư khai thác, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, tìm hiểu và học tập. Hiện tại, nhiều hạng mục ở nhà tù đã được sửa sang, tôn tạo trả lại hiện trạng vốn có của nó. Tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xà lim ngầm, hệ thống chiếu sáng trong xà lim ngầm, trại giam lớn đã được nâng cấp. Các hiện vật được xếp đặt bài bản, trang trọng và thường xuyên được bổ sung, chỉnh lý… Đặc biệt là Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La được khánh thành dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-2017) trở thành nơi tri ân các Anh hùng, liệt sĩ; nơi tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hằng năm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử.
Học sinh tham quan khu Di tích Nhà tù Sơn La
Càng tự hào hơn khi sau này, một cành của cây đào Tô Hiệu đã được chiết và đưa về trồng bên Lăng Bác. Giống cây đào cũng được đưa về trồng tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhà tù Sơn La. Ngày nay, cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La luôn xanh tươi thể hiện ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng năm xưa cũng như ý chí quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sơn La nói riêng và toàn Đảng, toàn dân nói chung tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bài, ảnh: Việt Anh