Cựu học sinh Chuyên Ngoại ngữ giành học bổng 6,5 tỷ đồng của trường đại học top 4 Mỹ
(Dân trí) – Bài luận ấn tượng cùng bộ hồ sơ với thành tích học, hoạt động ngoại khóa xuất sắc đã giúp Vũ Hà Châu có được tấm vé chinh phục tri thức tại ngôi trường hàng đầu nước Mỹ.
“Gap year” một năm để tìm tương lai
8 giờ 26 phút sáng, Vũ Hà Châu vẫn nhớ như in cảm xúc vỡ òa khi đọc được dòng chữ “Congratulations!” với mức học bổng lên đến 6,5 tỷ đồng từ Đại học Pomona.
Trước khi nhận kết quả trúng tuyển vào Pomona, Hà Châu cũng nhận được thư chấp nhận từ nhiều trường đại học danh giá khác, như: học bổng 100% Faber Award từ Đại học Fordham, Đại học Minnesota, Đại học Union…
Khác với nhiều bạn cùng tuổi, Hà Châu quyết định “gap year” để có thể lựa chọn được chuyên ngành và ngôi trường mình theo học trong 4 năm tới.
Châu kể: “Tốt nghiệp với ba năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh xuất sắc tại trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, em quyết định ở nhà và tìm hiểu nhiều ngành học phù hợp với bản thân, như: Kinh tế, Tâm lý học, Toán học… và Khoa học máy tính đã có sức hút kì lạ đối với em.
Tự học trên mạng từng dòng code và nhìn thấy những điều kỳ diệu mà lập trình đem lại nên em càng chắc chắn về con đường mình sẽ chọn trong thời gian tới chính là Khoa học máy tính.
Niềm đam mê là động lực to lớn thúc đẩy bản thân em mỗi ngày. Em tự nhủ phải tự biết tìm cho mình cơ hội theo đuổi ngành này thông qua việc săn học bổng cao để tiết kiệm chi phí cho bố mẹ, được học và nghiên cứu để có thêm những đóng góp có ích cho cộng đồng”.
Nằm trong số 12 ngôi trường khó vào nhất Hoa Kỳ với tỉ lệ chấp nhận sinh viên là 6,6% (cao hơn cả một số đại học Ivy League như Dartmouth, Upenn hay Duke…), Đại học Pomona có một lịch sử lâu đời – thành lập năm 1887.
Đặc biệt hơn, Pomona nằm trong Liên minh Claremont – một khối gồm 7 trường đại học tinh hoa được ca ngợi là “sự kết hợp của những tài nguyên trí tuệ chưa từng có ở Hoa Kỳ”, theo The Fiske Guide to Colleges.
Châu chia sẻ: “Với dự định theo đuổi ngành Khoa học máy tính (Computer Science) và Khoa học nhận thức (Cognitive Science), Pomona là lựa chọn mơ ước của em. Ngôi trường danh giá nằm ở California, gần thung lũng Silicon, vùng đất tinh hoa công nghệ. Trường có chương trình học khoa học công nghệ rất tốt, và sinh viên ra trường được chào đón bởi các tập đoàn công nghệ lớn nhất trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft…”.
Đạt được 1510/1600 điểm SAT (top 1% thế giới), 790/800 SAT II Toán, 8.0 IELTS, 9.5 GPA nhưng Hà Châu vẫn rất lo lắng vì quá trình xin học bổng Mỹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài điểm số.
Châu nói: “Nhiều lần em dự định thi lại SAT để nâng điểm số cạnh tranh hơn, nhưng sau đó quyết định dành thời gian tập trung vào các hoạt động ngoại khóa và các bài luận, những yếu tố mà em cho rằng còn quan trọng hơn những con số”.
Bài luận ấn tượng về phố cổ Hà Nội qua con mắt của “lập trình viên”
Xác định bài luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc giành học bổng, Hà Châu đã viết về gia đình và thành phố Hà Nội, nơi em được sinh ra, dưới con mắt của một lập trình viên.
“Em miêu tả phố cổ Hà Nội với concept pixels (các mã màu) trong lập trình web. Đối với cảm nhận của riêng em, những ngóc ngách phố cổ ngoằn ngòeo cũng giống như những bài toán lập trình.
Mỗi lần đi chơi phố cổ em đều tìm thấy nhiều điều mới lạ; một quán ăn, hay một cửa hàng đồ cũ, để hiểu hơn về thành phố mình sinh ra, cũng giống như mỗi lần em gặp phải một bài toán, em đều thử thách bản thân bằng việc thử một cách giải khác, một công nghệ khác.
Em luôn muốn nhìn nhận cuộc sống dưới con mắt lập trình bằng sự tò mò và đam mê bất tận như vậy. Luôn muốn được thử thách bản thân, được tìm hiểu, được thỏa trí tưởng tượng”, Hà Châu chia sẻ.
“Em còn viết về những người đàn ông trong gia đình mình; họ đều là những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học mà em luôn ngưỡng mộ từ nhỏ. Rồi bà và mẹ em, những người phụ nữ học giỏi nhưng sẵn sàng hy sinh vì gia đình.
Chính gia đình với truyền thống hiếu học của gia đình, những kỉ niệm tại thành phố Hà Nội, tình yêu quê hương, đã truyền cho em cảm hứng trở thành một người phụ nữ Việt Nam độc lập, sẵn sàng theo đuổi đam mê khoa học để đóng góp cho cộng đồng”, Châu nhấn mạnh.
Khi nộp hồ sơ, Pomona có yêu cầu trả lời 3 câu hỏi để giới thiệu bản thân. Hà Châu đã thể hiện sự sáng tạo bằng việc trả lời mỗi câu hỏi bằng một khổ thơ, nhưng cả ba khổ thơ khi ghép lại thì sẽ trở thành một bài thơ hoàn chỉnh.
Châu cho hay: “Bài thơ này đã kể về câu chuyện xung quanh chiếc đàn piano và những người em của mình. Câu chuyện là hành trình của trường thành của những đứa trẻ bên cây đàn, những kỉ niệm vui buồn, những lần tranh luận, để rồi ở tuổi 18 nhìn lại, em nhận ra hành trình đó đã dạy em lòng bao dung, yêu thương, và nhân ái như thế nào. Qua những bài luận này, em đã thể hiện được tính cách của bản thân: Tuy là một cô gái đam mê khoa học nhưng em cũng là người có một tâm hồn nghệ thuật, có rất nhiều đam mê, tình yêu, sự sáng tạo”.
Vào năm 2018, trong một chuyến đi thiện nguyện tại bệnh viện, Hà Châu đã chứng kiến một bé trai khiếm thính gặp khó khăn trong việc truyền đạt vấn đề sức khỏe của mình cho bác sĩ, vì thiếu người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.
Đó là lúc em nhận ra rằng cộng đồng người khiếm thính đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống hàng ngày nên có ý tưởng phải làm gì đó để giúp đỡ họ.
Cho đến năm 2021, khi đã tự học lập trình cũng như gặp được các bạn/anh chị có cùng lý tưởng, Châu đã thực hiện được dự án VieSign với mong muốn có thể đem ngôn ngữ ký hiệu đến gần hơn với mọi người.
“Nhờ có VieSign mà em học được những kỹ thuật mới và trưởng thành thật nhiều. VieSign hiện được sử dụng với 10 chủ đề bài học. VieSign đã và đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Người Khiếm Thính (CED) để áp dụng nền tảng học đến với các học viên Ngôn ngữ ký hiệu và các y bác sĩ từ các bệnh viện. VieSign đang tiếp tục được hoàn thiện về hệ thống, cũng như chương trình học trong năm 2022 này”, Châu nói.
Chia sẻ về bí quyết chinh phục hội đồng tại Mỹ, Hà Châu hào hứng cho biết: “Em nghĩ rằng yếu tố đã khiến em gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh là sự chân thành và khả năng sáng tạo.
Chính những bài luận độc đáo – bài thơ, hay các cách viết mới lạ – là chìa khóa để em thể hiện hai điều đó. Vì đã trải qua cả quá trình xin học bổng, biết bao đêm thức khuya, những tháng ngày ôn luyện cho các kỳ thi, nên em có vô vàn ý tưởng, vô vàn câu chuyện, nhưng em thật sự trăn trở để có thể truyền tải tốt nhất tấm lòng bền bỉ chân thành của mình qua từng câu chữ.
Em tin rằng mỗi người đều có một câu chuyện riêng đáng trân trọng trong cuộc đời, nhưng người có thể để lại ấn tượng là người có khả năng diễn đạt, sáng tạo, truyền cảm hứng cho người khác với câu chuyện của mình”.
Hiện tại, Hà Châu dự định theo đuổi ngành Khoa học máy tính (Computer Science) và Khoa học nhận thức (Cognitive Science) và háo hức được thử theo học thêm những ngành vẫn luôn tò mò là Ngôn ngữ học và Arts History.
Ước mơ của Hà Châu sau khi tốt nghiệp tại Mỹ là có thể trở thành một nhà nghiên cứu, được tiếp tục dùng những dự án và ý tưởng công nghệ của mình để đóng góp cho xã hội, giúp đỡ mọi người nhiều hơn nữa.