[Cựu sinh viên] Nữ sĩ quan đầu tiên làm việc tại Phái bộ Huấn luyện của EU
Trung tá Vũ Thị Liên là một trong hai sĩ quan vừa được Chủ tịch nước cử đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Huấn luyện của Liên minh châu Âu (EU) ở Trung Phi.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ (game bắn cá đổi thưởng ftkh ) ngành sư phạm tiếng Pháp năm 2003, chị Liên nhận công tác tại Học viện Quân y. Sau khi hoàn thành chương trình cao học tiếng Pháp, chị chuyển sang giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Thế nhưng hai năm trước, nữ giảng viên đã quyết định bước khỏi vùng an toàn, vì tình yêu với chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình.
“Tôi quyết định ra khỏi môi trường Học viện để sang Cục gìn giữ hòa bình khi cả gia đình đều phản đối. May mắn là sau thời gian thuyết phục, người thân đã thấu hiểu và ủng hộ”, trung tá Liên kể.
Được tuyển dụng vào Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam năm 2020. Tháng 5/2021, chị được giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của EU tại Trung Phi.
Yêu cầu đối với quân nhân làm việc tại phái bộ của EU là phải biết tối thiểu hai ngôn ngữ Anh và Pháp. Nhờ có tiếng Pháp tốt, nữ quân nhân tận dụng thời gian và các khóa huấn luyện để trau dồi, cải thiện khả năng tiếng Anh, đồng thời nâng cao năng lực làm việc trong môi trường đa quốc gia.
Do Việt Nam chưa từng cử sĩ quan đi làm nhiệm vụ ở phái bộ của EU, chị Liên không có người chia sẻ kinh nghiệm hay đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, chương trình huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình được xây dựng sát thực tế. Vị trí mà EU đề xuất cho sĩ quan Việt Nam là Cố vấn về huấn luyện, với nhiệm vụ tham gia vào các hoạt động như xây dựng chương trình đào tạo; lưu trữ dữ liệu về học viên; lập kế hoạch, tiêu chí kiểm tra đánh giá… cũng khá tương đồng với chuyên môn mà trung tá Liên đã có 10 năm thực hiện tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, nữ sĩ quan đã nắm bắt được công việc, tự tin nhận nhiệm vụ. “Là một trong hai người đầu tiên đến Phái bộ huấn luyện của EU, tôi quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao, tiếp nối những thành quả, dấu ấn tốt đẹp mà các nữ sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trước đó đã gây dựng”, trung tá Liên nói.
Để yên tâm lên đường sang Trung Phi, chị Liên đã sắp xếp chu toàn việc gia đình. Cậu con trai 8 tuổi và con gái đang học lớp 9 sau khi được mẹ thủ thỉ, đã hứa học tập chăm chỉ và ngoan ngoãn chờ mẹ trở về. Con trai nói hàng ngày trước khi đi ngủ sẽ gọi điện cho mẹ để nhờ hướng dẫn làm bài tập khó, còn con gái thì cho biết rất tự hào khi mẹ đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Hiệp định FTA về tham gia quản lý khủng hoảng chung của Liên minh châu Âu (EU) được EU ký với một số nước châu Á và châu Đại dương, với các nước như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên cử quân tham gia hoạt động phái bộ của EU.
Phái bộ huấn luyện của EU tại Trung Phi tập trung vào ba nhiệm vụ chính gồm hỗ trợ cố vấn chiến lược cho việc xây dựng quân đội; đào tạo kỹ thuật cho Lực lượng quân đội và hỗ trợ khóa huấn luyện như bắn súng, địa hình quân sự, sơ cứu chiến trường, công binh…
Từ tháng 6/2014 đến nay, Bộ Quốc phòng đã cử 517 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Bốn năm qua, bốn bệnh viện dã chiến cấp 2 đã được triển khai tới Nam Sudan. Tháng 5/2022, đội công binh đầu tiên của Việt Nam với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và 2.000 tấn thiết bị đã đi làm nhiệm vụ tại phái bộ an ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc tại khu vực Abyei (khu vực giữa Sudan và Nam Sudan).