Hướng dẫn tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở
1. Mục đích, yêu cầu:
Đại hội công đoàn cơ sở cơ quan, doanh nghiệp là đợt sinh hoạt chính trị của đoàn viên công đoàn; đoàn kết, tập hợp trí tuệ thảo luận và quyết định những vấn đề thiết thực liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, phát triển đơn vị.
2. Nội dung đại hội:
Thông qua và thảo luận báo cáo tổng kết phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm vụ công đoàn nhiệm kỳ tới.
Báo cáo kiểm điểm sự hoạt động của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ qua.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo của đại hội công đoàn cấp trên (nếu có).
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra công đoàn (đối với những đơn vị từ 30 lao động trở lên có UBKT).
Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.
Bầu đại biểu dự Đại hội công đoàn cấp trên (nếu có phân bổ từ LĐLĐ Quận).
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội công đoàn nhiệm kỳ mới.
3. Nhiệm kỳ đại hội:
Thời gian: 5 năm 01 lần
Đối với CĐCS đã Đại hội ít nhất 01 lần: sẽ tổ chức đại hội vào quý I của năm thứ 5 theo nhiệm kỳ Đại hội. Trường hợp đặc biệt phải tổ chức đại hội sớm hoặc muộn hơn phải được LĐLĐ Quận đồng ý.
Đối với CĐCS có Ban Chấp hành lâm thời (gồm: đơn vị mới được thành lập hoặc Ban Chấp hành được chỉ định lại): sẽ tổ chức Đại hội chậm nhất vào tháng cuối cùng của thời gian được chỉ định.
4. Nhân sự Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra:
4.1. Tiêu chuẩn:
Có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình công tác công đoàn, trung thực thẳng thắng, đoàn kết tập hợp được cán bộ, đoàn viên và người lao động; có ý thức chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Có năng lực tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác công đoàn và tham gia quyết định chủ trương công tác của Ban Chấp hành công đoàn, tham gia quản lý đơn vị.
Chủ tịch công đoàn là người tiêu biểu của Ban Chấp hành, có trình độ chính trị, chuyên môn tương xứng với cấp quản lý, am hiểu sâu sắc những hoạt động của đơn vị. Có khả năng thực hiện được vai trò là người đại diện và tập hợp được người lao động.
4.2. Điều kiện:
Người tham gia lần đầu: Có đủ tuổi tham gia công tác để đảm nhiệm ít nhất trọn một nhiệm kỳ đại hội công đoàn.
Tái cử: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ.
Phải có lí lịch rõ ràng, tự nguyện và có điều kiện tham gia các hoạt động của Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra.
4.3. Số lượng:
a. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định, theo định hướng:
– Dưới 50 đoàn viên không quá 05 ủy viên.
– Từ 50 đến dưới 100 đoàn viên không quá 7 ủy viên.
– Từ 100 đến dưới 200 đoàn viên không quá 9 ủy viên.
– Từ 200 đoàn viên trở lên không quá 15 ủy viên.
b. Số lượng ủy viên UBKT do Ban Chấp hành quyết định, theo định hướng:
– Dưới 30 lao động cử 1 ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công tác kiểm tra.
– Từ 30 lao động trở lên, số lượng ủy viên Ủy ban Kiểm tra không quá 5 ủy viên, gồm một ủy viên Ban Chấp hành và một số đoàn viên ngoài Ban Chấp hành (số ủy viên Ban Chấp hành tham gia không quá 1/3 tổng số ủy viên Ủy ban Kiểm tra).
– Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu; Chủ nhiệm UBKT bắt buộc phải là ủy viên Ban Chấp hành.
4.4. Đại hội bầu trực tiếp Chủ tịch Công đoàn:
Khi có trên 50% số đại biểu đại hội đề nghị bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên và cấp ủy đảng đơn vị (đối với những đơn vị có cấp ủy Đảng).
Đại hội bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn cơ sở theo trình tự: Đại hội bầu ra Ban Chấp hành; bầu Chủ tịch trong số ủy viên Ban Chấp hành.
5. Công tác chuẩn bị đại hội
5.1. Ban Chấp hành CĐCS xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng, nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ tới; báo cáo kiểm điểm sự hoạt động của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ qua; báo cáo của Ủy ban Kiểm tra công đoàn.
5.2. Công tác nhân sự
a.Ban Chấp hành gửi phiếu hỏi ý kiến từng ủy viên BCH (kèm theo danh sách BCH đương nhiệm), đề nghị từng ủy viên BCH cho ý kiến về các vấn đề sau:
– Bản thân mình có tiếp tục tham gia hay không tham gia BCH nhiệm kỳ mới, lý do.
– Đề xuất ý kiến của mình về các ủy viên BCH khác, ai nên tiếp tục tham gia, ai không nên tiếp tục tham gia BCH nhiệm kỳ mới.
– Giới thiệu nhân sự mới tham gia Ban Chấp hành.
b.Căn cứ cơ cấu nhân sự giới thiệu tham gia BCH mới, Ban Chấp hành gửi yêu cầu giới thiệu nhân sự đến các tổ công đoàn (nếu có) về cơ cấu được phân bổ để tiến hành giới thiệu nhân sự.
c.Ban Chấp hành tổng hợp kết quả giới thiệu nhân sự, trên cơ sở danh sách nhân sự được giới thiệu, từng ủy viên BCH lựa chọn, giới thiệu (bằng phiếu) người tham gia Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch.
d.Hoàn chỉnh danh sách giới thiệu nhân sự BCH: Ban Chấp hành báo cáo xin ý kiến cấp ủy và thủ trưởng đơn vị danh sách giới thiệu chính thức nhân sự BCH mới trước khi tiến hành đại hội. Số lượng nhân sự giới thiệu phải có số dư trên 10% số nhân sự dự kiến được bầu BCH nhiệm kỳ mới.
e. Quá trình chuẩn bị nhân sự BCH, cùng đồng thời chuẩn bị nhân sự UBKT:
– Ban Chấp hành công đoàn phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chủ động phối hợp với chính quyền trong việc chuẩn bị nội dung đại hội, nhất là phương hướng nhiệm vụ và chuẩn bị nhân sự đại hội.
– Ban Chấp hành công đoàn các đơn vị phải báo cáo với Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức về nội dung, chương trình và nhân sự trước khi tổ chức đại hội.
5.3. Ban Chấp hành CĐCS hoàn tất dự thảo văn kiện, các biểu mẫu liên quan, chương trình chi tiết và lập dự trù kinh phí tổ chức kèm theo kế hoạch tổ chức đại hội gửi về Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức trước 15 ngày khi tổ chức đại hội.
6. Tổ chức Đại hội:
6.1. Trang trí hội trường
– Phía trái hội trường (từ dưới nhìn lên) là cờ Tổ quốc. Tượng hoặc ảnh Bác Hồ đặt dưới cánh sao vàng (25-30 cm).
– Phía phải hội trường là dòng chữ “Đại hội Công đoàn ……. Lần thứ …. Nhiệm kỳ ………- …………”. Huy hiệu Công đoàn Việt Nam đặt trên và chính giữa dòng chữ Đại hội CĐCS (cách 25-30 cm).
6.2. Chương trình Đại hội – Nghi thức chào cờ (hát quốc ca) – Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. – Bầu Đoàn Chủ tịch, Thư ký đoàn (bằng biểu quyết giơ tay và phải đạt tỷ lệ từ 20% số đại biểu tán thành trở lên). – Đoàn chủ tịch chủ trì đại hội. + Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội (đối với những đơn vị ít lao động phải tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên công đoàn thì báo cáo tình hình đoàn viên về tham dự đại hội). + Thông qua chương trình làm việc của đoàn chủ tịch. + Thông qua dự thảo báo cáo hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua (hoặc trong giai đoạn lâm thời đối với những đơn vị mới được thành lập) và phương hướng nhiệm kỳ tới (báo cáo kiểm điểm sự hoạt động của Ban Chấp hành có thể kiểm điểm chung trong báo cáo). + Thông qua báo cáo của uỷ ban kiểm tra công đoàn (đối với những đơn vị từ 30 lao động trở lên có Ủy ban Kiểm tra). + Đại hội thảo luận báo cáo, phương hướng của công đoàn cơ sở. + Đại hội thảo luận đề cương báo cáo, phương hướng của Công đoàn cấp trên (nếu có). + Phát biểu của lãnh đạo cấp ủy Đảng, Chính quyền và Công đoàn cấp trên. + Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành mới; đại biểu đại hội thảo luận cơ cấu, số lượng, ứng cử, đề cử, thông qua danh sách bầu cử: Danh sách bầu Ban Chấp hành công đoàn mới của đơn vị; danh sách bầu đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên (nếu có). + Bầu Tổ bầu cử. + Bầu cử, công bố kết quả bầu cử. + Ban Chấp hành mới họp phiên thứ 1 để bầu Chủ tịch, phó chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (BCH có từ 9 ủy viên trở lên bầu Ban Thường vụ). Trong trường hợp không đủ thời gian để tổ chức hội nghị lần thứ 1 của Ban Chấp hành thì có thể bỏ qua bước này trong Đại hội mà sẽ tổ chức hội nghị sau khi Đại hội kết thúc để bầu các chức danh. + Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra mới (nếu có UBKT) ra mắt đại hội. + Thông qua Nghị quyết đại hội. – Chào cờ bế mạc đại hội. 6.3. Các thủ tục sau khi đại hội: Sau đại hội không quá 15 ngày (kể từ ngày tổ chức đại hội), Ban Chấp hành CĐCS nhiệm kỳ mới có trách nhiệm gửi hồ sơ đại hội về Liên đoàn Lao động Quận gồm những văn bản như sau: – Văn kiện chính thức được đại hội hoàn chỉnh và ký ban hành (gồm: báo cáo và phương hướng phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn của đơn vị; bản kiểm điểm của Ban Chấp hành CĐCS; Nghị quyết đại hội) – Hồ sơ chuẩn y nhân sự Ban Chấp hành, UBKT: + Biên bản đại hội; + Biên bản kiểm phiếu bầu Ban Chấp hành; + Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành kiểm phiếu bầu chức danh Chủ tịch; + Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành kiểm phiếu bầu chức danh Phó Chủ tịch; + Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành kiểm phiếu bầu UBKT (đối với những đơn vị có từ 30 lao động trở lên); + Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành kiểm phiếu bầu chức danh Chủ nhiệm UBKT (đối với những đơn vị có từ 30 lao động trở lên); + Công văn đề nghị chuẩn y nhân sự Ban Chấp hành, UBKT Công đoàn (nếu có); + Lý lịch Ban Chấp hành, UBKT (nếu có).