Nhà tù Sơn La – Nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam Th2 21, 2024 in Tin tức sự kiện – Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là nơi ghi dấu tội ác của chế độ thực dân với những người chiến sĩ cộng sản. (theo Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908, nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thuộc tổ 9 (phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Từ diện tích 500m2 ban đầu, Nhà tù Sơn La tiếp tục được mở rộng vào những năm 1930 – 1940. Sau ba lần mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.184m2, gồm 3 hạng mục lớn: Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang Liệt sĩ Nhà tù Sơn La và Cây đa bản Hẹo. Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp thiết kế 49 phòng giam to nhỏ khác nhau. Những bức tường kiên cố được xây bằng đá lẫn gạch, có độ dày từ 40-60cm, mái được lợp bằng ngói hoặc tôn nhưng không có hệ thống trần khiến nơi đây nóng nực vào mùa hè và lạnh thấu da thịt vào mùa đông. Trong các phòng giam, thực dân Pháp thiết kế hệ thống cầu tiêu nổi. Mặc dù được xây dựng theo lối tự hoại nhưng cầu tiêu lại xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, chất thải tù nhân lưu trữ ở bên trong, do không được vệ sinh thường xuyên nên môi trường rất ô nhiễm. Thực dân Pháp còn thiết kế những phòng giam đặc biệt, được gọi là “xà lim nổi trên mặt đất“ với chiều dài khoảng 1,6m, chiều rộng và chiều cao cũng hơn 1m và cuối các phòng để một thùng đựng phân không có nắp đậy. Cao điểm nhất, trong 1 phòng giam đặc biệt này, thực dân Pháp đã giam đến 4 tù nhân. Khi đó, tù nhân chỉ có thể đứng lom khom, ngồi bó gối hoặc thay nhau nằm co. Đặc biệt, xà lim ngầm sâu 3,5m để biệt giam những tù nhân mà thực dân Pháp cho là “cứng đầu cứng cổ, không thể cải hoán”. Trong 15 năm (1930 – 1945), thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân tại đây. Nơi đây đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sĩ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn Chính tại nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu – Bí thư chi bộ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hi sinh. Ban quản lý Khu di tích đã lập một am thờ để du khách thập phương tưởng nhớ đến người chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1962, Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Mỹ, qua 2 lần chịu bom giặc, nhiều hạng mục của di tích bị hư hỏng nặng. Đến cuối năm 1980, Bảo tàng tỉnh Sơn La phục chế nhà tù theo các dấu tích cũ. Cuối năm 2014, khi Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Chị Hoàng Thị Huyền Trang – du khách đến từ Hải Dương cho biết: “Mặc dù đã được tìm hiểu trên sách, báo về những tội ác bạo tàn của giặc, nhưng khi đến đây mới thực sự thấy được sự tàn ác của chế độ thực dân Pháp đối với những chiến sĩ cộng sản”. “Càng tìm hiểu kỹ hơn, càng thấy khâm phục ý chí, nghị lực của những người chiến sĩ dù bị tra tấn dã man về cả thể xác lẫn tinh thần vẫn không khuất phục trước kẻ thù” – chị Trang xúc động nói. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết: “Hiện, Bảo tàng tỉnh đang trưng bày và lưu giữ 209 tư liệu, hiện vật liên quan đến Di tích Nhà tù Sơn La. Đến với Nhà tù Sơn La, khách du lịch sẽ được chứng kiến hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn – những chứng tích sống về tội ác dã man của chế độ thực dân cũ đối với các chiến sĩ cộng sản, từ đó thấy được tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của những người tù cách mạng kiên trung”. Tagged with: 20232024.tuan34, Tin tức Đảng bộ