Chủ đề Đất nước học Anh: Sự tạo thành tuổi thơ trong lịch sử nước Anh – Diễn đàn SCI-CHAT

Trang chủ - Game bắn cá đổi thưởng ftkh

Chủ đề Đất nước học Anh: Sự tạo thành tuổi thơ trong lịch sử nước Anh


“Chủ đề Đất nước học Anh: Sự tạo thành tuổi thơ trong lịch sử nước Anh” (tên tiếng Anh là Topics in British Studies: The Invention of British Childhood, mã số ENG2087) là môn học dành riêng cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, định hướng Quốc tế học, được đưa vào chương trình từ năm học 2018-2019. Môn học được gây dựng và giảng dạy bởi Tổ Đất nước học – Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá các nước nói Tiếng Anh.

Lịch sử có thể chưa là niềm đam mê hay sở thích của nhiều người; môn học này được xây dựng với hi vọng sẽ đem lại một góc nhìn khác về lịch sử bên cạnh vua chúa và những cuộc chiến tranh giành quyền lực. Việc nghiên cứu lịch sử của một đất nước cách xa Việt Nam khoảng 9000km, 6 múi giờ cùng rất nhiều những khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá cũng đặt ra một thử thách không nhỏ với cả người dạy và người học. Để khiến những kiến thức tưởng như “không liên quan” ấy trở nên dễ liên hệ và khơi gợi nhiều cảm hứng hơn, lịch sử nước Anh trong môn học này được tiếp cận từ sự hình thành và biến đổi của “tuổi thơ”.

Khi nghĩ về “trẻ em”, người ta hay nghĩ đến những gì trong trẻo, hồn nhiên và quý giá nhất, còn “thời thơ ấu” là quãng thời gian tươi đẹp với nhiều kỷ niệm thân thương của riêng mỗi người. Thật khó để hình dung rằng ở một không gian thời gian nào đó, trẻ em sinh ra với đầy rẫy tội lỗi cần gột rửa, sống sót đến tuổi trưởng thành là một kỳ tích và phải lao động như những người lớn thực thụ chỉ khác biệt về chiều cao cân nặng và mức độ thành thục trong kỹ năng kinh nghiệm. “Tuổi thơ” vì thế cũng là một thứ gì đó rất “nhân tạo”, là một trong những sản phẩm trong quá trình kiến tạo đời sống của con người, không thể tách khỏi những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế-xã hội, không hề “tự nhiên” hay “vốn dĩ là như thế”.

Bên cạnh tài liệu chính là cuốn sách “The Invention of Childhood” (2006) của giáo sư Hugh Cunningham, nhà nghiên cứu với nhiều năm kinh nghiệm về lịch sử Anh và đặc biệt là lịch sử tuổi thơ, các hình thức truyền tải đa dạng khác cũng được sử dụng trong môn học này, bao gồm truyện, phim, tranh ảnh. Ngoài ra, người học được trực tiếp tham gia xây dựng nguồn tài liệu cho môn học bằng cách làm việc nhóm, chọn một phim tài liệu về một giai đoạn cụ thể trong lịch sử Anh, làm phụ đề, trình chiếu và thảo luận về nội dung phim cùng các bạn trên lớp. Dự án này không những tạo điều kiện cho người học chủ động và có trách nhiệm hơn trong quá trình học tập của mình mà còn giúp bổ sung kiến thức nền, để “tuổi thơ” được nhìn nhận toàn vẹn hơn trong từng giai đoạn lịch sử tương ứng.

Đọc tài liệu, xem phim là chưa đủ, vì tuổi thơ thì không thể không có những trải nghiệm để thử sức và khám phá những điều mới. Vì thế, các hoạt động học tập trong môn học cũng được thiết kế theo hướng này. Dưới đây là một số hình ảnh về các hoạt động như thế.

Tranh minh hoạ của lớp 15E11 cho truyện “The Friar and the Boy”, một trong những chuyện kể đầu tiên dành cho trẻ em có xuất xứ từ thời Trung cổ. Nhân vật chính trong truyện là một cậu bé con nhà nông dân, không được mẹ kế yêu thương, phải lao động vất vả từ bé.  Lòng tốt của cậu bé với một người ăn xin được đền đáp bằng ba món quà có phép màu kì diệu, giúp cậu trừng trị kẻ ác và sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

Tác phẩm thêu hoa cơ bản của lớp 16E29 và 16E32. Những ghi chép về các hoạt động học tập và vui chơi của các bé gái ở thế kỉ 16-17 (và các giai đoạn trước) không nhiều, chỉ biết công việc thêu thùa là không thể thiếu, để chuẩn bị cho việc làm vợ, làm mẹ.

Sân khấu đồ chơi (toy theatre) rất thịnh hành ở thế kỉ 18-19, phục vụ nhu cầu giải trí của không chỉ riêng trẻ em mà còn cho cả gia đình, trước khi trình diễn sân khấu và sau này là truyền hình trở nên phổ biến. Mô hình làm bằng giấy do lớp 16E32 thực hiện.

Một trải nghiệm khác để tạo sự kết nối là bài liên hệ bản thân (reflection). Người học được tự do lựa chọn hình thức thể hiện và chia sẻ về sự tạo thành tuổi thơ của chính mình. Ví dụ, bạn Nguyễn Thuỳ Linh, lớp 15E11 đã tạo một podcast trong đó kể về những bài hát đã ghi dấu ấn sâu đậm trong “18 năm đầu đời” của mình. 

Ở đâu đó giữa những thứ cũ và mới, chung và riêng, xa lạ và thân quen, bên cạnh những kiến thức học thuật bổ ích, môn học Chủ đề Đất nước học Anh: Sự tạo thành tuổi thơ trong lịch sử nước Anh được xây dựng với mong muốn dành tặng cho đứa trẻ trong mỗi người, để vượt qua những nỗi sợ hãi, phá bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc, để cùng lớn thêm một chút và tự tin tạo dựng con đường của riêng mình.

Nguyễn Hải Hà

Tổ Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang
Trang
6 Tháng Mười Hai, 2019 11:51 chiều

Ôi hay quá, giá mà K50 chúng em cũng được học môn này. Chúng em đã học Đất Nước Học Anh Mỹ và Địa Lý Đại Cương thực sự đã thấy quâ tuyệt vời rồi, nếu được học thêm môn này thì còn gì bằng!