‘Sống tỉnh thức’ sau mùa dịch Covid-19
Xin giới thiệu với các thầy cô và các em học sinh sinh viên bài viết của cô Lê Thủy Lân, giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh:
Tôi đã ngộ ra rằng không phải lúc nào tình yêu cũng phải được thốt lên bằng câu nói “tôi yêu bạn, mẹ yêu con, chị yêu em”.
Sáng dậy, tôi thấy nhà cửa ngổn ngang toàn những thùng hàng. Bố tôi chạy tất bật ra vào. Mẹ tôi vừa nói chuyện điện thoại với ai đó vừa mặc quần áo. Thì ra mẹ đang nói chuyện với bác tôi – chị gái mẹ, người đang sống ở Sơn La, cách chúng tôi hơn 100 cây số.
Bác chính là người gửi những thùng hàng đó tới, nhưng không phải cho nhà tôi, mà là cho tất cả họ hàng ở quê. Đây là một thông lệ mà tôi đã quen từ lâu. Quê mẹ tôi vốn ở Vĩnh Phúc, nhà có 7 cô con gái, trong đó duy nhất có bác gái tôi lấy chồng xa và theo chồng lên tận Sơn La. Mọi người thường đùa ai bảo ông bà đặt tên bác là “Kim Sơn” nên bác mới phải lên sống tận trên đỉnh núi như thế.
Nhưng chính vì ở xa nên bác thường thương nhớ bố mẹ và chị em rất nhiều. Khi không thể về thường xuyên, bác tôi sẽ gửi theo xe khách nhiều thùng hàng quà tặng cho người nhà ở. Tôi nhìn mẹ tôi bắt đầu xếp dỡ các món đồ ra để phân cho đúng người. Này thì thuốc bổ cho bà ngoại đang mệt, này thì cao cho bác cả vừa ra viện, này thì mấy cân táo mèo cho bố tôi ngâm rượu, này thì quần áo ấm cho mấy đứa trẻ con, này thì giày dép mới cho thằng cháu sắp đi học đại học.
Tôi nhìn những món đồ bày la liệt khắp phòng khách và bất chợt nhận ra “Ồ, tất cả đều là tình yêu!”. Là tình yêu của bác gái gửi cho mẹ và các em mình, là tình yêu mà bác không nói ra bằng lời mà bằng sự quan tâm, là thứ tình yêu chân thành giản đơn nhưng cực kỳ mạnh mẽ. Ai nhận được những món quà này sẽ cảm nhận được điều đó.
Rồi tôi quay xuống bếp, mở tủ lấy đồ ăn sáng. Tôi thấy la liệt trong tủ là bánh mỳ, sữa đặc, ngũ cốc, milo gói, sữa tươi, bỏng gạo. Đều là đồ ăn sáng mẹ chuẩn bị sẵn cho tôi. “Đây cũng là tình yêu!”.
Đóng tủ lại, tôi quay sang nhìn vào gương, và thấy bộ quần áo mình đang mặc mà chị gái tôi đã mua cho, “đó cũng là tình yêu”. Bỗng nhiên một sáng thức dậy, tôi thấy quanh mình đâu đâu cũng là tình yêu. Vẫn ngôi nhà đó, vẫn những món đồ đó, chỉ có góc nhìn của tôi đã khác. Tôi gọi đó là góc nhìn của “tình yêu”.
Tôi đã ngộ ra một cách sâu sắc sáng hôm ấy rằng không phải lúc nào tình yêu cũng phải được thốt lên bằng câu nói “tôi yêu bạn, mẹ yêu con, chị yêu em” nhưng tình yêu vẫn luôn hiện hữu rất rõ ràng quanh ta, trong những món đồ đơn giản mà ta trao nhau mỗi ngày. Vấn đề chỉ là ta có để tâm đủ để dùng góc nhìn của “tình yêu” mà nhận ra nó không mà thôi. Câu chuyện này không hề mới, nhưng nó lại đặc biệt ý nghĩa trong giai đoạn này khi dịch Covid 19 đang hoành hành.
Hơn . 23000 không phải chỉ là một con số, mà là 23000 mạng sống, 23000 người cha, người mẹ, người con, người anh, người em, người chú, người bạn, người thầy, người hàng xóm, người đồng nghiệp, người quen biết sơ sơ.
Cứ đọc những dòng tâm sự trong chuyên mụccủa VnExpress là bạn sẽ thấy. Những dòng tâm sự của người ở lại gửi người ra đi dưới cái tên “Mẹ”, “Ba”, “Ngoại”, “Cô chủ trọ”, “Bà Cậy bán xôi”, “Dì bán tạp hoá gần nhà” cho ta thấy một cách chân thực nhất sự mất mát của đại dịch và mức độ khổng lồ của nó.
Những người thân xung quanh ta, ông bà bố mẹ và cả những người không quá thân xung quanh ta, một khi ta mất đi họ ta mới thấm thía câu nói “Không có gì tồn tại trên đời này thật hơn nỗi đau”. Mỗi tâm sự chỉ vài dòng ngắn ngủi “Con xin đánh đổi tất cả để mẹ có thể trở về với con mẹ ơi” chứa đựng trong nó cả một biển trời nước mắt của sự tiếc thương và ân hận.
Đọc những dòng ấy, tôi rùng mình. Thương cảm cho người ra đi, thương cảm cho người ở lại, và càng thương cảm cho những tình yêu vô bờ bến, muôn hình vạn trạng tồn tại giữa họ với nhau. Tôi lại càng thấy mình may mắn biết bao khi còn được sống, được hít thở và được ở bên cạnh những người thân yêu nhất.
Tôi bị ám ảnh bởi clip người bố đeo ba lô vẫy chào vợ con ra đi hẹn ngày về mà không thể, tôi cứ tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu đó là bố của tôi, chỉ nghĩ thôi đã đủ khiến tôi run sợ. Giờ đây, mỗi khi nhìn bố, tôi đều thầm biết ơn trời phật vì bố vẫn ở đây với tôi.
Đại dịch này là một cái gì thực sự khủng khiếp, nhưng nếu có duy nhất một mặt tích cực, thì hẳn nó đã dạy cho chúng ta một bài học về việc trân trọng những người xung quanh ta, những người mà trước đó có thể ta luôn quên lãng, luôn lấy cớ bận bịu mà không nhìn ngó tới.
Đây cũng là một lời kêu gọi mỗi chúng ta sống tỉnh thức hơn trong hiện tại, và yêu thương ngay khi còn có thể.
Sáng hôm đó, tôi tỉnh dậy và có thể nhìn nhận mọi thứ xung quanh với một góc nhìn khác hẳn, góc nhìn của tình yêu thương, ấy là do tôi đã sống tỉnh thức hơn trước, ấy là nhờ có đại dịch này.
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn những dòng tâm sự Tưởng nhớ nạn nhân đại dịch Covid mà tôi đã được đọc, tất cả đều cho tôi thấy mình cần phải thực sự thay đổi và biết yêu thương nhiều hơn. Một lần nữa cũng xin thành tâm thắp ngọn nến tưởng nhớ cho tất cả những người đã và đang phải mất mát vì đại dịch này.
Lê Thuỳ Lân