Tổ chức đào tạo chất lượng cao trong bối cảnh tự chủ đại học và cách mạng công nghiệp 4.0
Tham luận của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo – ĐHQGHN trình bày tại Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020 – 2025. |
1. Bối cảnh Trong thế kỉ 21, tự chủ đại học được xem là xu thế được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, xu hướng này cũng đã trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Tự chủ đại học sẽ mang đến những cơ hội và cả những thách thức nhất định cho các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình. Đây là hình thức quản trị thích hợp với những tổ chức không thuộc hệ thống hành chính (hệ thống có cấp trên cấp dưới; cấp dưới do cấp trên bổ nhiệm và phải làm theo quyết định của cấp trên). Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ về: học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản. Tự chủ đại học có thể giúp các trường đại học tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về quản lí nhà nước, về hoạt động của nhà trường. Tự chủ đại học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Song, tự chủ đại học cũng sẽ đặt ra cho các cơ sở giáo dục những thách thức, đặc biệt là thách thức phải vươn lên để khẳng định mình, để tồn tại và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, cũng như bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay – cơ hội đến với mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc – cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục hàng đầu ngày càng diễn ra mạnh mẽ – thì việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm quản trị đại học là yêu cầu sống còn đối với các cơ sở giáo dục. Trong đó, tổ chức đào tạo chất lượng cao là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt được những mục tiêu này. 2. Thực trạng Ở Việt Nam, các chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao bắt đầu được tổ chức tuyển sinh rộng rãi từ năm 2016 theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Mục tiêu của chương trình chất lượng cao là nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động khu vực. Sau gần 6 năm thực hiện, cho đến nay rất nhiều cơ sở đào tạo đã áp dụng loại chương trình này. Đánh giá của xã hội về kết quả của các CTĐT chất lượng cao còn có những ý kiến trái chiều. Song, theo nhận định của một số trường đại học có tổ chức CTĐT chất lượng cao, sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao vẫn có năng lực nổi trội hơn sinh viên đại trà; các em được trang bị tốt về kiến thức, khả năng tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết khác nên khả năng thành công cũng cao hơn. Là một đại học lớn được sinh ra với sứ mệnh đào tạo nhân tài, tiên phong và làm nòng cột cho nền giáo dục đại học nước nhà, ĐHQGHN luôn ý thức được trọng trách của con chim đầu đàn trong hệ thống giáo dục đại học. Trong những năm qua, ĐHQGHN đã thực hiện nhiều khâu đổi mới mang tính đột phá: chuyển đổi chương trình theo chuẩn đầu ra, đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực (đến nay đã được nhân rộng mô hình áp dụng cho cả nước), xây dựng quy hoạch ngành/ chuyên ngành đào tạo, mở mới các CTĐT thí điểm, trong đó có những chương trình liên ngành, liên lĩnh vực, trở thành “đặc sản” của ĐHQGHN, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đặc biệt, ĐHQGHN đã thực hiện phân tầng chất lượng các CTĐT trình độ đại học, thạc sĩ nhằm hệ thống hóa các CTĐT tại ĐHQGHN theo tiêu chí chất lượng, làm căn cứ hoạch định chính sách đầu tư phù hợp cho từng nhóm CTĐT. Theo đó, các CTĐT của ĐHQGHN được phân thành 3 tầng: CTĐT chuẩn, CTĐT chất lượng cao và CTĐT tài năng. Trong tầng CTĐT chất lượng cao, ngoài CTĐT chất lượng cao được ĐHQGHN đầu tư và CTĐT đạt chuẩn quốc tế đã được triển khai trong nhiều năm qua còn có thêm loại chương trình mới: CTĐT chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cho đến nay, trong số 161 CTĐT trình độ đại học của ĐHQGHN, có 55 CTĐT chất lượng cao và tài năng, chiếm 33,5% tổng số CTĐT (bao gồm: 20 CTĐT chất lượng cao được Nhà nước đầu tư, 3 CTĐT chuẩn quốc tế, 27 CTĐT chất lượng cao theo Thông tư 23, 4 CTĐT chất lượng cao theo đặc thù đơn vị và 4 CTĐT tài năng). Kết quả tuyển sinh các CTĐT tài năng, chất lượng cao cũng rất khả quan. Năm 2019, hầu hết các CTĐT chất lượng cao (các loại) tuyển đủ chỉ tiêu, riêng các CTĐT chất lượng cao theo Thông tư 23 tuyển được 3.202 thí sinh, đạt 113% chỉ tiêu đề ra, còn tổng số sinh viên chất lượng cao, tài năng toàn ĐHQGHN tuyển sinh được 3.990/9.845 tổng chỉ tiêu năm 2019, đạt xấp xỉ 40% (năm 2015, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 9%, trong khi quy mô tuyển sinh 2019 gấp 1,6 lần năm 2015). Đây là con số đáng khích lệ, là thành quả của sự chỉ đạo quyết liệt của ĐHQGHN cũng như sự nỗ lực của các đơn vị đào tạo. Việc phát triển các CTĐT tài năng, chất lượng cao nói chung và các CTĐT chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo không chỉ góp phần làm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cung cấp thêm cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn góp phần tăng thêm các nguồn lực cho sự phát triển của đơn vị nói riêng và của ĐHQGHN nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức đào tạo chất lượng cao ở ĐHQGHN vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh tự chủ đại học. Có thể nhận diện những tồn tại căn bản trong đào tạo chất lượng cao ở ĐHQGHN ở một số điểm sau: (1) Việc mở CTĐT chất lượng cao mới chỉ tập trung ở một số ngành/chuyên ngành, trong đó chủ yếu là các ngành thuộc khối kinh tế, ngoại ngữ – những ngành có nhu cầu xã hội cao, mà chưa lan tỏa rộng đến các ngành khoa học cơ bản; (2) Một số CTĐT chất lượng cao có chất lượng chưa thực sự khác biệt với CTĐT chuẩn; (3) Chưa thu hút được nhiều ứng viên giỏi, xuất sắc tham gia vào các CTĐT này; (4) Công tác tổ chức đào tạo vẫn còn một số bất cập; (5) Việc đầu tư cho các CTĐT chất lượng cao chưa thật sự tương xứng. Mục tiêu Trong thời gian tới, đào tạo tài năng, chất lượng cao cũng như hoạt động đào tạo của ĐHQGHN hướng tới những mục tiêu sau: – Đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra theo khung 8 bậc trong khung trình độ quốc gia. CTĐT được xây dựng phải có nội dung đáp ứng yêu cầu của giáo dục STEM và giáo dục khai phóng. Trong đó, chuẩn đầu ra các chương trình chất lượng cao phải cao hơn các chương trình hệ chuẩn (về kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ,..). Người học khi ra trường phải đáp ứng được ngay các yêu cầu của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. – Đào tạo phải gắn với nghiên cứu khoa học; thông qua nghiên cứu khoa học để đào tạo chất lượng cao, trình độ cao và tiếp cận với trình độ và chuẩn mực quốc tế. – Đẩy mạnh việc học gắn với thực hành, thực tiễn. Tăng cường khối lượng và chất lượng các học phần thực hành, thực tập trong CTĐT. – Đào tạo theo hướng cá thể hóa. Phát huy thế mạnh và đam mê của từng cá nhân người học, gắn với các nhóm nghiên cứu. – Tăng cường năng lực sáng tạo và khởi nghiệp của người học, gắn liền với giáo dục nhân cách và lối sống, hoài bão chấn hưng đất nước cho thế hệ trẻ. 3. Giải pháp Trong bối cảnh, thực trạng và yêu cầu nói trên, chúng ta cần đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng của các CTĐT chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội, đón đầu xu thế tự chủ đại học ngày càng sâu rộng và những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Một số giải pháp quan trọng được đề xuất như sau: a) Đổi mới chương trình đào tạo Đổi mới thiết kế, cấu trúc CTĐT theo hướng: có những học phần chung có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với đặc thù từng đơn vị đào tạo, đặc biệt chú trọng đến tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, phương pháp nghiên cứu khoa học; gắn đào tạo với nghiên cứu và ứng dụng; tăng cường khối lượng và thời gian cho thực hành, thực tế, thực tập. Với các ngành đào tạo gắn với nghề như CNTT, kỹ sư, bác sỹ, kế toán, kiểm toán, phiên dịch,.. cần có tối thiểu 01 kỳ thực tế, thực tập ngoài cơ sở đào tạo. Đồng thời, có thể cho phép sinh viên được tự do lựa chọn tích lũy từ 2-3 học phần của các CTĐT khác (có thể ở đơn vị đào tạo khác trong ĐHQGHN). Đây là những đề xuất thay đổi rất căn bản về CTĐT trong thời gian tới. b) Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các CTĐT chất lượng cao Theo thống kê, hiện có một số đơn vị rất tích cực và thành công trong việc phát triển các CTĐT chất lượng cao, tiêu biểu là Trường Đại học Kinh tế, năm 2020 đã có 6/6 ngành, game bắn cá đổi thưởng ftkh với 6/15 ngành, Trường Đại học Công nghệ đạt 31,25% (5/16). Đây cũng là những ngành có nhu cầu xã hội cao, thuận lợi trong việc thu hút thí sinh. Bên cạnh đó, có một số đơn vị còn phản ứng khá chậm với chủ trương phát triển CTĐT chất lượng cao của ĐHQGHN. Trường ĐHKHXH&NV đạt 25,7% (9/35). Đặc biệt, Trường Đại học Giáo dục hiện đã có 16 ngành đào tạo đại học, trong đó có gần 40% là các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học giáo dục nhưng chưa có CTĐT chất lượng cao. Với các CTĐT sau đại học, số lượng CTĐT chất lượng cao còn khiêm tốn: mới chỉ có 12 CTĐT chất lượng cao trên tổng số 184 CTĐT thạc sĩ, chủ yếu tập trung vào một số đơn vị đặc thù hoặc tự chủ tài chính: Trường Đại học Việt Nhật, Khoa Quản trị và Kinh doanh, Khoa Quốc tế. Chất lượng của các CTĐT chất lượng cao cũng chưa thật sự đồng đều. Bên cạnh những CTĐT chất lượng cao được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và nguồn lực thì vẫn còn có những CTĐT chất lượng cao chưa có sự khác biệt về chất so với CTĐT chuẩn, nội dung CTĐT chủ yếu tăng về lượng, chưa thực sự tăng về chất (người học không được trang bị nhiều kiến thức, kĩ năng chuyên sâu, chuẩn đầu ra chưa thực sự khác biệt). Vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị cần tích cực hơn nữa trong việc mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng của các CTĐT tài năng/chất lượng cao. Trước hết, cần chủ động sắp xếp, tái cấu trúc và phân tầng chất lượng các CTĐT tại đơn vị dựa trên sứ mệnh, thế mạnh, tiềm năng của đơn vị cũng như nhu cầu xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ. Với một số ngành đào tạo khoa học cơ bản, dù nhu cầu xã hội không nhiều nhưng lại được xem là “linh hồn”, có vai trò giữ lửa, đơn vị cần có giải pháp đầu tư nguồn lực để đào tạo tài năng/chất lượng cao với quy mô hợp lí. Với những ngành có nhu cầu xã hội cao, đơn vị cần xây dựng CTĐT chất lượng cao thu học phí tương ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đơn vị. Đặc biệt cần tiếp tục phát huy thế mạnh của ĐHQGHN trong việc tìm tòi, mạnh dạn đổi mới và tổ chức đào tạo các chương trình mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, tiên phong, đón đầu nhu cầu của xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý về chất lượng và sự khác biệt của CTĐT chất lượng cao so với CTĐT chuẩn tương ứng, sao cho sản phẩm của các CTĐT chất lượng cao phải có sự khác biệt, góp phần tạo nên thương hiệu cho đơn vị và cho ĐHQGHN. c) Nâng cao chất lượng tuyển sinh Tuyển sinh là khâu đầu tiên trong quy trình đào tạo, chất lượng tuyển sinh ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, chất lượng tuyển sinh luôn là vấn đề được Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN quan tâm. ĐHQGHN đã từng nghiên cứu và thí điểm tổ chức thành công việc tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực trong các năm 2015 và 2016. Từ năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tích hợp phương thức thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Do vậy, ĐHQGHN tiếp nhận và sử dụng kết quả thi Trung học phổ thông để xét tuyển đại học. Việc tuyển sinh cơ bản đã đạt được các mục tiêu về số lượng và chất lượng, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, một số ngành đào tạo chất lượng cao có điểm chuẩn đầu vào chưa cao, thậm chí thấp hơn CTĐT chuẩn tương ứng. Đây cũng là điểm hạn chế cần khắc phục. ĐHQGHN và các đơn vị cần tăng cường công tác truyền thông, đầu tư thích đáng hơn nữa cho các CTĐT chất lượng cao nhằm thu hút các thí sinh giỏi và xuất sắc tham gia vào các CTĐT này. Với bậc đào tạo sau đại học, trong những năm gần đây, số lượng thí sinh dự tuyển đang có sự sụt giảm do nhu cầu của người học có phần bão hòa, tính cạnh tranh ở các cơ sở giáo dục ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ĐHQGHN luôn kiên định với mục tiêu chất lượng, không vì sự sụt giảm số lượng mà giảm các yêu cầu về điều kiện đầu vào. Thay vào đó, ĐHQGHN tăng cường các giải pháp bền vững để thu hút người học: nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các chương trình, có chính sách hỗ trợ người học hợp lí (chính sách học bổng, đào tạo tiền tiến sĩ…). Hiện nay, ĐHQGHN đã xây dựng và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt đề án Nâng cao năng lực tuyển sinh sau đại học ở ĐHQGHN. Đề án này đã nghiên cứu, đưa ra những chính sách khả thi để nâng cao năng lực tuyển sinh sau đại học ở tất cả các đơn vị trong ĐHQGHN. d) Đổi mới phương pháp dạy – học và tăng cường giám sát Việc đổi mới phương pháp dạy – học ở ĐHQGHN được thực hiện trên những nguyên tắc sau: – Đổi mới phương pháp dạy và học phải trang bị được cho người học những kiến thức và kĩ năng cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của các công ty trong và ngoài nước và thị trường lao động toàn cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu người tuyển dụng và việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. – Đổi mới phương pháp dạy và học phải gắn với việc đổi mới một cách tổng thể và hệ thống từ chương trình, giáo trình, công nghệ dạy – học hiện đại, tiên tiến, cũng như trình độ và kĩ năng, chất lượng đội ngũ giảng viên. – Đổi mới phương pháp dạy và học phải gắn với quy hoạch, cơ cấu lại ngành, nghề và quy hoạch nguồn nhân lực. – Đáp ứng được đặc thù của ĐHQGHN là đa ngành, đa lĩnh vực, có sự liên thông, liên kết giữa các đơn vị đào tạo. – Đáp ứng được xu thế tự chủ đại học trong tương lai gần, có lộ trình phù hợp, khả thi với ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo. Từ những nguyên tắc trên, có thể đưa ra các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới: – Thứ nhất, tiếp tục duy trì nguyên tắc “lấy người học là trung tâm”, chú ý hoạt động dạy và học chủ động quan tâm, nhấn mạnh đến kĩ năng xử lí vấn đề đặt ra trong cuộc sống song song với cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc cho người học. Việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, theo hướng cá thể hóa, dựa trên tinh thần đề cao vai trò của người học, tạo điều kiện để người học được chủ động tham gia với đa dạng các hoạt động học tập, nghiên cứu, trong đó có cả việc tham gia sinh hoạt trong các nhóm nghiên cứu và tự học, tự nghiên cứu của mỗi cá nhân. – Thứ hai, thực hiện tốt Đề án Đổi mới công tác thực tập – thực tế trong đào tạo nhằm tăng cường khả năng có việc làm cho sinh viên ĐHQGHN. Đề án bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020. Theo đó, quá trình tổ chức đào tạo cần gắn liền với các cơ sở thực hành, thực tập; việc gắn kết giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc phải được đặt ra. Với các ngành/chuyên ngành kĩ thuật, công nghệ phải đảm bảo hệ thống nhà xưởng, phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị đầy đủ. – Thứ ba, vận dụng tối đa các phương tiện hỗ trợ dạy và học, đặc biệt là các phương tiện gắn với công nghệ thông tin. Trong thời gian tới, với một số học phần phù hợp, đơn vị đào tạo có thể xây dựng theo hình thức đào tạo trực tuyến. – Thứ tư, tận dụng lợi thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ và phát huy thế mạnh của ĐHQGHN ở tính liên thông, liên kết, liên lĩnh vực. Thí điểm xây dựng một số bài giảng trực tuyến (online) cho các học phần chung, cho một số học phần trong một số CTĐT phù hợp. Thông qua đào tạo tín chỉ có thể tăng khả năng, cơ hội cho người học (học cùng lúc 2 CTĐT – bằng kép, tích lũy tín chỉ), từng bước thích ứng với cơ chế tự chủ đại học. Đồng thời, ĐHQGHN cũng khuyến khích các đơn vị tăng cường các công nghệ tiên tiến, sử dụng kĩ thuật số và Internet để tổ chức thường xuyên các seminar, giao lưu học thuật, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà sử dụng lao động trong và ngoài nước để phát triển tầm nhìn cho người học, đi đôi với hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, nghiên cứu. Trong quá trình tổ chức đào tạo, ĐHQGHN và đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của các chương trình. e) Tăng cường đầu tư cho các CTĐT chất lượng cao Để việc đào tạo chất lượng cao đạt kết quả cần có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là con người. Đối với các ngành chăm sóc sức khỏe, kĩ thuật, công nghệ, yêu cầu về máy móc, phòng thí nghiệm, nhà xưởng, cơ sở thực hành là yêu cầu tiên quyết. Vì vậy, ĐHQGHN cần đẩy mạnh và chú trọng ưu tiên đầu tư cho những lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đối với tất cả các ngành đào tạo, con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ cán bộ hợp lí, thu hút và giữ chân những nhà khoa học, nhà quản lí giỏi. Tăng cường đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh để các nhóm nghiên cứu này phát huy vai trò dẫn dắt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ trình độ, kĩ năng để đào tạo theo hướng cá thể hóa. Tuy nhiên, muốn đầu tư trước hết phải có nguồn lực tài chính. Với xu thế tự chủ đại học, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục ngày càng hạn hẹp, trong lúc các văn bản pháp quy của Nhà nước chưa đầy đủ căn cứ để các cơ sở giáo dục đưa ra định mức thu học phí của riêng mình, vì vậy, các đơn vị cần sớm triển khai tự chủ đại học, đồng thời trước mắt: ĐHQGHN và các đơn vị cần chủ động xây dựng định mức kinh tế – kĩ thuật cho từng ngành để có cơ sở đưa ra mức thu học phí hợp lí đối với từng loại CTĐT. Chủ động tạo nguồn thu hợp lí, hợp lệ là cách để đơn vị có nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là con người. Đây chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững. f) Xây dựng Quy chế đào tạo chất lượng cao Để đáp ứng những mục tiêu trên đây, song song với những giải pháp trên, trong thời gian tới ĐHQGHN cũng cần rà soát lại các quy chế, quy định hiện hành về đào tạo tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (theo quy định của ĐHQGHN) và chất lượng cao theo Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để hợp nhất thành một Quy chế đào tạo chất lượng cao thống nhất trong toàn ĐHQGHN, làm kim chỉ nam cho việc tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo. Kết luận: Nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng 4.0 là mục tiêu và sứ mệnh của ĐHQGHN, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng sâu rộng. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc ĐHQGHN đề ra chủ trương và giải pháp trong việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, đổi mới tổ chức đào tạo chất lượng cao tại thời điểm hiện nay là việc làm có ý nghĩa cấp bách. Trong những giải pháp trên, một số giải pháp ĐHQGHN đã và đang triển khai, một số giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới. Để tạo nên sự biến chuyển đột phá về chất lượng đào tạo, chủ trương này phải được chuyển biến từ nhận thức và quán triệt sâu sắc, từ lãnh đạo các đơn vị đào tạo đến đội ngũ cán bộ quản lí, giảng viên, đồng thời cần có sự chỉ đạo quyết liệt, sự đầu tư thích đáng của ĐHQGHN. |
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – VNU Media |